Vài cảm nhận về Hội Nghị Thượng Đỉnh liên Triều Tiên - Dân Làm Báo

Vài cảm nhận về Hội Nghị Thượng Đỉnh liên Triều Tiên

Phạm Hy Sơn (Danlambao) - Sáng ngày 27/4/2018, hai người đứng đầu Nam - Bắc Triêu Tiên (N-BTT) họp Hội Nghị Thượng Đỉnh bàn về việc thống nhất đất nước và phi hạt nhân hoá bán đảo này để tiến tới hoà bình. Hai người ôm nhau tươi cười thắm thiết. Sau khi Kim Jong-un bước qua lằn ranh sang phía lãnh thổ Nam Triều Tiên, Kim Jong-un mời Tổng Thống Moon bước sang lãnh thỗ phía Bắc, một biểu tượng thân thiện, hòa hợp sau những ngày tháng căng thẳng tưởng như một mất một còn.

Rồi đến Thông Cáo Chung, hai bên long trọng tuyên bố trước 80 triêu nhân dân Triều Tiên và toàn thế giới răng:

- Không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hoà bình mới đã bắt đầu. 

- Quyết tâm hướng tới kỷ nguyên mới về hoà giải dân tộc, hoà bình và thịnh vượng, cảỉ thiện quan hệ hai miền.

- Nam - Bắc Triều Tiên sẽ nối lại huyết thống của người dân hai nước nhằm đem lại tương lai thịnh vượng và thống nhất do người dân Triều Tiên lãnh đạo "bằng mối liên hệ liên Triều toàn diện và đột phá nhằm đáp ứng khát khao của toàn dân."

- Nam - Bắc Triều Tiên khẳng định nguyên tắc tự quyết định vận mệnh của toàn dân tộc Triều Tiên.

- Nam - Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hoá hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân.

Trên đây là một số điểm then chốt trong thông cáo chung của hai bên ngày 27/4/2018.

Căn cứ theo thông cáo này, một số chính quyền trên thế giới và các cơ quan truyền thông biểu lộ sự vui mừng rằng sự đối đầu giữa hai miền đã chấn dứt để tiến tới hoà bình và thống nhất. 

Những sự lạc quan ấy có quá sớm không? Theo những nhà chuyên phân tích về Triều Tiên thì từ mấy chục năm nay bán đảo này đã có nhiều tuyên bố, nhiều cam kết không phải chỉ có hai bên Nam - Bắc Triều Tiên mà còn có sáu bên gồm Mỹ + Nhật + Nam Triều Tiên một bên và Nga + Tàu + Bắc Triều Tiên một bên cũng không đi tới đâu, và cuối cùng lại phải đi tới tuyên bố chung ngày 27/4 vừa qua.

- Năm 1993 tình hình rất căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được hạ nhiệt bằng một hiệp ước ký tại Genève, Thụy Sĩ giữa Bắc Triều Tiên và chính quyền Clinton. Theo đó, Mỹ thỏa thuận BTT ngưng xây dựng các lò phản ứng nguyên tử để đỏi lấy việc Mỹ xây cho 2 nhà máy điện chạy bằng nước nặng và 500.000 tấn dầu. Nhưng đến năm 2002, chính quyền Tổng Thống Bush (con) phát hiện BTT bí mật làm giàu Uranium.

- Tháng 9/2006 BTT ký hiệp ước sau 2 năm hoà đàm 6 bên: BTT từ bỏ chương trình nguyên tử quân sự để đổi lấy viện trợ kinh tế và dầu nhưng chỉ 1 tháng sau, tháng 10/2006 chính quyền Kim Jong-il cho nổ hạt nhân đầu tiên!...

- Nhìn 3 bản truyên bố chung các năm 2000, 2007 và 2018 vừa thực hiện giữa 2 miền Triều Tiên chẳng qua chỉ là sự lặp đi lặp lại bản tuyên bố năm 2000, cũng là thống nhất đất nước, tự chủ dân tộc, giải quyết cho những gia đình ly tán ở 2 miền Nam, Bắc được sum họp, xây dựng hoà bình thịnh vượng chung...

Khác là ở chỗ tuyên bố chung ngày 27/4 vừa qua thay đổi ngôn từ, dùng những lời hoa mỹ cho đẹp thôi.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao sau bao nhiêu tuyên bố, bao nhiêu cam kết thống nhất đất nước "nhằm đáp ứng khát khao của toàn dân tộc" từ mấy chục năm nay chưa thực hiện được và sẽ thực hiện được không?

Hiện tại chắc chắn là không.

Những lý do đơn giản là: Thứ nhất Marx dạy những người cộng sản một khi đã nắm được chính quyền thì bằng mọi cách phải giữ cho chặt chính quyền chuyên chính vô sản. Thứ hai là "truyền thống gia đình". Triều đại họ Kim đến nay đã truyền được 3 đời không lẽ tự chấm dứt? Thứ ba, bản thân Kim Jong-ul là một kẻ tham tàn, vô đạo, giết cả anh ruột, giết cả người chồng của cô ruột và bao nhiêu những viên chức cao cấp một cách dã man để thống lĩnh quyền lực. 

Không thể tin được con người ấy một sớm, một chiều hy sinh quyền lợi riêng để thống nhất đất nước. Có chăng là sự thống nhất để cả Nam Triều Tiên nằm dưới sự thống trị của Kim Jong-ul.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy 2 miền Triều Tiên có một điểm được là mỗi khi căng thẳng họ lại ngồi với nhau để làm cho tình hình dịu bớt đi, nên từ mấy chục năm nay dân tộc Triều Tiên tránh được cuộc binh đao tương tàn, không như hai miền Nam - Bắc Việt Nam thống nhất bằng 20 năm khói lửa khốc liệt: Sáu, bảy triệu người thiệt mạng, hàng tiệu thanh niên ưu tú của giống nòi ở cả hai miền bị đưa vào lò lửa chiến tranh, nhà cửa ruộng vườn bị tàn phá, dân tộc bị chia rẽ trầm trọng đến chưa hàn gắn lại được!

Thấy người lại ngẫm đến ta,
Nồi da, xáo thịt... xót xa muôn phần.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo