“Đã Lạ Lời Tình Tự” vì LS Nhân Quyền Lê Công Định đi tù - Dân Làm Báo

“Đã Lạ Lời Tình Tự” vì LS Nhân Quyền Lê Công Định đi tù



Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Hẳn nhiên vẫn có những bông hoa kiều diễm từ khước phải làm người đàn bà cô đơn như bên-không-chồng, trong thời kỳ đất nước tao loạn chiến chinh, cũng như trong những số phận đối diện với hoàn cảnh chồng hoặc vợ bị bắt bớ vào tù vì những tội danh mơ hồ mà thiêng liêng như tội yêu nước. Một cuộc đánh đổi những hạnh phúc riêng tư, khiến người phối ngẫu năm xưa của LS Lê Công Định buộc phải mở tròn mắt sững sờ không biết mình phải làm gì, xoay sở ra sao vì quá bất ngờ, và tôi nhớ là hoa hậu Ngọc Khánh đã thú nhận là cô cũng chẳng hiểu gì cả trong một cuộc phỏng vấn nào đó. Những mất mát đổ vỡ của gia đình TNLT nhạc sĩ Việt Khang, gia đình LS nhân quyền Lê Công Định… lắm khi cũng làm tôi liên tưởng đến muôn trùng những cuộc đi tù được giấu dưới những mỹ từ “học tập cải tạo” của những người lính Miền Nam thua cuộc, và làm sao chúng ta đếm nổi những cảnh đời buồn thảm éo le phải nhắm mắt bước thêm bước nữa của những số phận đàn bà son trẻ thân gái dặm trường không chịu nổi thứ “đòn thù” của chế độ này như con cái bị xét ba đời lý lịch, đuổi đi kinh tế mới, thăm nuôi khó khăn, tổ dân phố làm khó dễ, những dè bỉu vô lối và đối xử bất công với vợ con “ngụy quân, ngụy quyền”…

Như thế đó nên “Đã Lạ Lời Tình Tự” ra đời, nhân một ngày trời Danlambao nhắc nhở đến sinh nhật trong tù nhiều thương cảm dành cho vị luật sư trí thức dấn thân, và cũng vào lúc có chiến dịch đòi “Free LS Lê Công Định”, mà đi đầu vẫn là trang mạng tiền thân của Danlambao.

Tôi muốn mở thêm một ngoặc đơn nhỏ ở đây, để nói rằng có lẽ chúng ta không nên trách cứ ai kia hoặc đàn bà vốn bạc bẽo dễ ôm thuyền sang bờ khác, cũng như không quá thất vọng vì những nín thở qua sông xin khoan hồng của LS Lê Công Định nói riêng lúc đó, và bất cứ một nhà hoạt động nào khác trong tương lai như Nguyễn Văn Hóa... Lý do chúng ta rất dễ bị “trúng kế”, một khi nhà cầm quyền này mở ra những chiêu trò hạ bệ thần tượng, bôi bác những khuôn mặt sáng giá để làm nản lòng nản chí mọi người, hoặc tìm cách chế ngự răn đe những phản biện lên tiếng của những nhà bất đồng chính kiến đấu tranh khác.

Hình ảnh kiên định và môi cười thản nhiên của một Mẹ Nấm, trong chiếc T-shirt đặc biệt có hàng chữ Washington D.C, nơi có phu nhân Melania đã từng vinh danh cô hẳn nhiên làm chúng ta hãnh diện vui sướng. Nhưng dù vậy, chúng ta cũng không nên lên án nhà hoạt động Trần Thị Nga trong phiên phúc thẩm ngày 22/12 này, nếu cô ấy không “khách sáo” tỏ ra nhẫn nhịn và không hằn học hô to “Đả đảo Cộng Sản” như hôm sơ thẩm để được giảm án. Những TNLT đã bị “nhập kho” tù đày là những vị đã bước qua ngưỡng cửa khiếp vía sợ hãi, vì họ cũng đã lì đòn trước những bản án bất công oan uổng và đã sẵn sàng tâm thức khổ nạn vì đất nước như cựu TNLT Bùi Thị Minh Hăng đã nói: “Tôi sẵn sàng nằm xuống để đất nước mình đứng lên.”

Mới đây khi cư dân mạng bắt đầu nóng lên vì sự gán ghép danh xưng “phản động” cho người ca sĩ khả ái Phương Thanh, chỉ vì cô ấy muốn bày tỏ một chút ý kiến hay chính kiến, thậm chí thiên kiến của mình về một “biến cố” chính trị thanh trừng đấu đá phe nhóm đang xảy ra ngập ngụa xung quanh đời sống xã hội, với thêm một con dê tế thần Đinh La Thăng.

Không hề lạ gì sau đó, một kẻ hành nghề DLV kiếm cơm hơn là kiếm danh, nếu không muốn nói là tiếm danh giấu mặt dưới tên cúng cơm ảo là Kiếm Rồng (vậy chừng nào thì Kiếm Tiên cho đủ bộ Rồng Tiên của giống nòi?) lại viết bài trên trang chủ “Người Con Yêu Nước” (nghe cũng hay!) tỏ ý răn đe nhạc sĩ Tuấn Khanh, với lời lẽ có bao giờ nhã nhặn được đâu: “… Thiết nghĩ, nếu không sớm quay đầu tỉnh ngộ thì khám tù sẽ là nơi tiếp theo Tuấn Khanh phải đến.”

Kể cũng khá thú vị, khi bài viết được đặt tên “Hết Đan Nguyên, Mai Khôi, Lại Đến Tuấn Khanh” mà tuồng như chỉ cốt khủng bố tinh thần của nhạc sĩ nổi tiếng với ca khúc “Trả Nợ Tình Xa” Tuấn Khanh. Ngoại trừ chỉ một câu là có nhắc đến ca sĩ Đan Nguyên và Mai Khôi như sau: “… việc một số văn nghệ sĩ có những phát ngôn ngông cuồng, cổ vũ cho những luận điệu xuyên tạc, chống lại chế độ là không thể chấp nhận được. Trước đây có Mai Khôi, Đan Nguyên, rồi nay lại đến Tuấn Khanh” (nguyên văn).

Dĩ nhiên là chúng ta thấy hết sức buồn cười và ngao ngán với những tiếp tục đánh phá không đâu vào đâu cả như thế này, vì đã là văn nghệ sĩ tự do thì bao giờ cũng đường ta, ta cứ đi thôi. Tuy vậy, tôi cũng khá ngạc nhiên khi đã sau 42 năm, mà sự hận thù sâu đậm trong huyết quản của người anh em (cũng là người có chữ, viết chữ như ai) Kiếm Rồng khiến anh chàng (nhà báo?) này buộc miệng hai chữ “ngụy quân” một lần nữa như sau: “… Tuy nhiên, vốn được nuôi dưỡng trong môi trường Ngụy Quân nên những tư tưởng chống đối đã sớm ăn vào nhân cách của Tuấn Khanh.”

Thôi thì cho tôi mượn câu nói của Mark Twain để tặng lại cho Kiếm Rồng nè, lát nữa có muốn ném đá ném gạch tác giả thì cùng lắm tôi cũng sẽ biết cách lượm lại và trả về khổ chủ: “Chẳng thà mình không nói để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa.”

Bây giờ là thời khắc cuối năm, và ngày lễ Giáng Sinh của những chúc tụng “bình an dưới thế cho người thiện tâm” cũng đã gần kề, tôi bỗng thấy chạnh lòng khi nghĩ đến những “Người Con Yêu Nước” (mượn tạm anh bạn Kiếm Rồng) đang phải ẩn nhẫn nhớ nước nhớ nhà bên những chấn song tù, với những cơn gió đêm lạnh lẽo đang hung hãn thổi suốt căn phòng từng đêm. Như mới đây mẹ của một TNLT muốn gởi chút chăn ấm cho con trai, vì vẫn chưa được dịp gặp mà vẫn bị thẳng thừng từ chối. Thì thử hỏi đèn đuốc nhấp nháy sáng trưng như những phồn hoa giả tạo khắp những dãy phố sầm uất ở quê nhà để làm gì, và khi thiên hạ vồn vã chạy theo đời sống ngoài kia tưng bừng mua sắm những mặt hàng “made in China” cũng để mà chi. Khi đất nước chúng ta đang phủ đầy bóng tối của những hiểm họa lo âu, bóng tối của tù đày nhốt kín những tinh hoa tuổi trẻ Việt, và bóng tối của những bệ rạc nhân quyền, trống lốc vinh quang được làm người con của Lạc Việt hào hùng…

Giáng Sinh ở một nơi có cây thông vĩ đại đẹp nhất thế giới, ngạo nghễ đứng thẳng vi vút thông reo trên từng cây thông lộng lẫy, đại diện cho từng mỗi 50 tiểu bang của nước Mỹ. Ở một nơi bây giờ đã có những cụm tuyết như những tảng bông gòn trắng xóa, chao ơi là đẹp và lạnh, nhưng thấm thía gì với những cóng buốt trong tâm hồn của những người con xa xứ. Khi tôi cũng chợt mường tượng lại đến Giáng Sinh trong tù của cậu em ruột, với Giáng Sinh năm nào trên quê hương bị quản giáo hùng hổ vặn xéo hai tay, xô đẩy như một tội phạm vào ngồi “chuồng cọp” bó rọ trong một tuần, chỉ vì em tôi “dám” khắc trên một thân gỗ mục mấy chữ “Joyeux Noel/Merry Christmas/Mừng Giáng Sinh”. Dạo đó tôi cũng khá lạ lùng khi nghe câu em tôi mặt vẫn lạnh lùng căm căm, môi mím chặt chịu đòn mà không hề có một chỉ dấu xin xỏ, hệt như cây thánh giá Chúa đã bắt mỗi người trong chúng ta phải tự vác trong cuộc đời này thế thôi.

Thật tình nếu có bất cứ ai trong chúng ta đã phải nhịn nhục như Câu Tiễn để chờ ngày có cơ hội sống sót trở về “phục hận”, thì điều này cũng dễ hiểu thôi, vì sự dã man của quân quản giáo và nhà tù Cộng Sản, bạn cũng như tôi khó lòng tưởng tượng nổi. Tại sao lại cứ muốn người khác ở tù giùm mình một cách dài hạn, trong khi ở ngoài những chấn song liệu chúng ta đã làm được gì để giúp họ hoặc tiếp nối con đường họ đã dẫm lên từng viên sỏi đau cho những bước chân tự do. 

Ca khúc “Đã Lạ Lời Tạ Tình” được nhạc sĩ tài hoa Vĩnh Điện phổ nhạc, sau khi lang thang trên mạng bắt gặp và đã cảm hứng nhanh như chớp lấy từ một câu thơ trong bài đặt làm tựa đề, thay cho cái tựa nguyên thủy là “Vẫn Một Người”.

Nhân nhạc phẩm này có mặt vào đúng lúc chúng ta đang có quá nhiều những TNLT “nhập kho” (chữ của Huỳnh Ngọc Chênh), với tiếng hát của danh ca Bảo Yến như nấc lên từng cung bậc, từng âm giai, từng nốt nhạc, tôi xin mạn phép được gởi gấm nơi đây lời biết ơn chân thành. Đến với tất cả những tấm lòng xả thân hy sinh vì công cuộc chung của đất nước, bất chấp những đánh đổi mất mát của hạnh phúc lứa đôi, gia đình cha mẹ con cái.

Những Thảo như của Trần Huỳnh Duy Thức, những Khánh như của LS Nguyễn Văn Đài, hoặc những Lành như của MS Nguyễn Trung Tôn… là những người phụ nữ xứng đáng được trân trọng đã luôn sát cánh cùng “một nửa kia” của mình, cho dù họ chỉ là những… “nội tướng”.

Chúng ta hãy cùng nắm tay nhau và cảm tạ những người đã khơi gợi nhiều cảm hứng trong chúng ta. Cuộc hành trình trước mặt cho dẫu vẫn hứa hẹn đầy cam go thử thách, nhưng nếu khi lòng mình nhất quyết và muốn đủ, chúng ta sẽ đòi lại được chiếc chìa khóa thần kỳ của tự ái dân tộc để mở những cánh cửa Tự Do Dân Chủ cho chính mình, gia đình và trên hết vẫn là Tổ Quốc, đất nước quê hương mình.



16/12/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo